NHẬN ĐỊNH
Trải qua gần 5000 năm dựng nước và giữ nước, nhiều thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu để gầy dựng một dải non sông gấm vóc. Trước những cơn thử thách lớn lao của lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ nhiều đường nét kiêu hùng. Nền văn hiến của dân tộc cũng trở nên vô cùng phong phú qua sự du nhập và cộng sinh hài hòa giữa những bản giá trị của nền Đạo Học Đông Phương, vốn là những nền triết học nhân bản, khoan hòa, bao dung cùng với nền văn minh tân tiến, dân chủ Tây Phương. Dưới chế độ Cộng sản tại miền Bắc từ năm 1945 và Cộng sản trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975, không những nền kinh tế của quốc gia đã bị suy thoái trầm trọng, mà tệ hại hơn nữa là nền văn hóa của dân tộc cũng bị hủy hoại tang thương. Trong khi hầu hết thế giới đã hội nhập vào trào lưu tư tưởng tiến hóa của nhân loại để tuyên dương cho dân chủ và nhân quyền, thì tại Việt Nam, đảng Cộng Sản đã cố tình bám víu vào độc tài chuyên chính, làm chậm đi bước tiến của dân tộc.
Từ bối cảnh lịch sử trên, chúng tôi nhận định rằng:
– Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hào hùng;
– Cá tính quật cường của dân tộc đã thể hiện rõ rệt qua sức đề kháng mãnh liệt nhất quyết không bao giờ bị đồng hóa;
– Lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc là sức mạnh vô biên đã bao lần bẻ gãy xiềng xích nô lệ;
– Văn hóa Dân Tộc là căn bản vô cùng thiết yếu để gìn giử và phát triển đất nước.
Tin tưởng tuyệt đối vào các nhận định trên và để thể hiện quyết tâm, chúng tôi son sắt một lòng kết hợp với nhau thành một tổ chức lấy tên là Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam.
PHẦN I: CHỦ TRƯƠNG CỦA TỔ CHỨC PHỤC HƯNG VIỆT NAM
Tổ Chức PHVN chủ trương tiến hành công cuộc phục hưng đất nước trên căn bản xây dựng Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên song hành với nỗ lực phục hưng Văn Hóa Dân Tộc.
A- Xây dựng Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên:
Để xây dựng nền Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên, Tổ Chức PHVN chủ trương công nhận, tôn trọng và thực thi nội dung của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 cùng với tất cả những văn kiện liên hệ. Tính chất toàn cầu, bất khả phân ly, tương sinh và liên đới của nhân quyền và các quyền tự do căn bản trong các văn kiện này cũng đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tái xác định vào tháng 12 năm 1998. Tổ Chức PHVN chủ trương một nền dân chủ thực sự phải gồm ba yếu tố quyết định sau đây:
o Yếu Tố Hiến Định
o Yếu Tố Pháp Trị
o Yếu Tố Đa Nguyên
a. Yếu Tố Hiến Định bao gồm:
1. Quyền lực của quốc gia và mọi luật pháp của quốc gia không những đặt trên căn bản mà còn phát xuất từ một Bản Hiến Pháp được định nghĩa như là một khế ước xã hội căn bản được long trọng ký kết bởi mọi công dân trong quốc gia.
2. Không một cá nhân, thành phần của xã hội dân sự hoặc cơ chế của nhà nước cần trung thành với bất cứ một cá nhân hoặc cơ chế nào. Tuy nhiên tất cả đều phải bảo vệ và trung thành với hiến pháp.
3. Tất cả mọi luật pháp và tác động của hành pháp không phù hợp với tinh thần của Hiến Pháp đều bị coi là vi hiến và không có hiệu lực pháp lý.
4. Để củng cố cho yếu tố hiến định, các nguyên tắc căn bản sau đây phải được hiến định hóa:
· Nguyên tắc đa nguyên chính trị.
· Nguyên tắc tự do tư hữu.
· Nguyên tắc tự do kinh doanh.
· Nguyên tắc tự do hội họp và lập hội.
· Nguyên tắc tự do tư tưởng.
· Nguyên tắc tự do tôn giáo.
· Nguyên tắc tự do báo chí.
· Nguyên tắc tự do đi lại.
· Nguyên tắc bình đẳng cơ hội cho mọi cá nhân và hữu thể pháp lý trong xã hội.
· Nguyên tắc pháp trị.
· Nguyên tắc phân quyền.
b. Yếu tố Pháp Trị bao gồm:
1. Mọi cá nhân, mọi thành tố của xã hội dân sự và mọi cơ cấu của nhà nước hay chính quyền, chỉ là những hữu thể pháp lý tuyệt đối bình đẳng trước luật pháp.
2. Tư Pháp là một cơ phận tối cao của quốc gia giữ trọng trách điều hợp và giải quyết mọi xung đột giữa những hữu thể pháp lý trong quốc gia. Chính vì thế ngành tư pháp phải có một vị trí hoàn toàn độc lập và đứng ngoài vòng ảnh hưởng của các áp lực có tính cách phe nhóm, hoặc áp lực đến từ Hành Pháp hoặc Lập Pháp.
3. Pháp trị có nghĩa là đặt căn bản luật pháp trên những nguyên tắc chí công vô tư được ghi rõ trong hiến pháp và trong các văn kiện pháp lý được quốc hội thông qua.
4. Tất cả các thành phần trong xã hội đều có quyền được bào chữa khi bị truy tố chính thức và phải được xử án một cách công khai trong một phiên xử công bằng.
c. Yếu tố Đa Nguyên bao gồm:
1. Quyền lực chính trị trong một quốc gia phải luôn luôn phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau. Những tụ điểm này không những là những đảng phái chính trị khác nhau mà ngay cả những đoàn thể có tính cách tôn giáo, xã hội, từ thiện, kinh tế, sắc tộc, phái tính, nghề nghiệp, đẳng cấp xã hội hoặc bất cứ một tụ điểm hợp pháp nào khác.
2. Bằng tác động chấp nhận đa số, một chế độ dân chủ đa nguyên vẫn phải trân trọng và nuôi dưỡng sự hiện hữu và đóng góp của thiểu số. Tôn trọng quyền hiện hữu và sự đóng góp của thiểu số đối lập là một yếu tố căn bản của nền dân chủ thật sự.
B- Phục Hưng Văn Hóa Dân Tộc:
Công cuộc xây dựng và phát triển thể chế dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chỉ tiến hành hữu hiệu trong bối cảnh của một nền văn hóa dân tộc chân chính và khai phóng. Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử, với những suy thoái nghiêm trọng về đạo đức và tinh thần, hiểm họa to lớn nhất của dân tộc Việt Nam không còn có tính cách ý thức hệ chính trị mà là hiểm họa mất văn hóa. Vì vậy, công cuộc phục hưng Văn Hóa Dân Tộc phải được đẩy mạnh trên căn bản đại đoàn kết dân tộc để xây dựng lại di sản của tổ tiên, hầu từ đó, bằng những đường nét sáng tạo độc đáo của dân tộc, đóng góp hữu hiệu vào nền văn minh của nhân loại.
1- Đại Đoàn Kết Dân Tộc:
Đại đoàn kết dân tộc vốn là căn bản thiết yếu và niềm tự hào của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đây là nỗ lực trường kỳ và rộng lớn nhằm qui tụ mọi tiềm lực đấu tranh của tất cả mọi thành phần dân tộc, không phân biệt xu hướng chính trị, chủng tộc, tôn giáo, phái tính, tuổi tác hay đẳng cấp xã hội miễn cùng chấp nhận một lý tưởng chung là mang lại hạnh phúc đích thực cho dân tộc Việt Nam.
2- Xây Dựng Lại Di Sản Tổ Tiên:
Di sản tổ tiên là những giá trị đã được tinh lọc qua nhiều thời đại với những nét đặc trưng như:
· Lòng ái quốc thiết tha thúc đẩy mọi người dân Việt sẵn sàng xả thân bảo vệ và xây dựng đất nước trong mọi hoàn cảnh, kể từ ngày lập quốc cho đến hôm nay và mãi về sau.
· Tình gia đình nồng thắm nối kết mọi phần tử trong gia đình thành một tổ ấm yêu thương gắn bó, làm căn bản xây dựng một xã hội nhân nghĩa.
· Ý thức nhân bản với nhận thức giá trị cao quí và vị trí đích thực của con người.
· Tinh thần bao dung, độ lượng của dân tộc đã thể hiện rõ ràng trong suốt giòng lịch sử. Mọi sắc tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều được đối xử bình đẳng. Các thành phần yếu kém trong xã hội được ưu tiên giúp đỡ. Mọi chủ trương trả thù hay hủy diệt con người đều bị lên án.
3- Đóng góp hữu hiệu vào nền Văn Minh của nhân loại: Văn minh của nhân loại ngày nay thiên về vật chất. Tổ Chức PHVN chủ trương đóng góp để tạo thế quân bình giữa vật chất và tinh thần bằng cách phát huy những giá trị tinh thần từ phạm vi gia đình, đến xã hội và nhân loại Những giá trị tư tưởng trong các lãnh vực văn chương, triết học cũng như tôn giáo cần được đề cao, làm căn bản cho một sự giao cảm hài hòa giữa các dân tộc. Mâu thuẫn giữa các quốc gia cần giải quyết trong tinh thần hòa bình.
PHẦN II: PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
Là một chính đảng trong dòng sinh mệnh của dân tộc Việt Nam, phương châm hành động của Tổ Chức PHVN là:
1. Đấu tranh trên căn bản tự lực, không lệ thuộc vào bất cứ một thế lực ngoại lai nào. Sự liên kết đều phải dựa trên căn bản phối hợp lưỡng lợi và tôn trọng lẫn nhau. Sinh mạng, lãnh thổ và tài sản của nhân dân Việt Nam phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ.
2. Đoàn kết và phối hợp hành động với tất cả các phong trào, lực lượng, tổ chức người Việt trong hay ngoài nước có cùng chủ trương.
3. Đoàn kết và thiết lập quan hệ với tất cả các quốc gia, dân tộc, tổ chức trên thế giới trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
PHẦN III: ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG
Tổ Chức PHVN hoạt động trên toàn thế giới trong đó Việt Nam là địa bàn chính.
PHẦN IV: CƠ CẤU TỔ CHỨC
Cơ cấu Tổ Chức PHVN được quy định trong Nội Quy.
PHẦN V: PHƯƠNG THỨC SINH HOẠT
1. Mật hay công khai: Trên bình diện chiến lược, Tổ Chức PHVN là một chính đảng sinh hoạt công khai trong dòng lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên trên bình diện chiến thuật, khi nhu cầu đòi hỏi. Tổ Chức có thể đổi hình thái sinh hoạt từ công khai sang mật hay ngược lại bằng biểu quyết của hai phần ba (2/3) đại biểu Đại Hội Đồng của Tổ Chức.
2. Chặt chẽ: Cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học, để bảo đảm sự bền vững của Tổ Chức, khả năng lãnh đạo và thi hành công tác trong công cuộc phục hưng đất nước.
3. Có sự tham gia của mọi tầng lớp quần chúng: Tất cả mọi người không phân biệt quốc tịch và nguồn gốc đều có thể trở thành thành viên của Tổ Chức nếu tin tưởng tuyệt đối vào bản Cương Lĩnh của Tổ Chức PHVN.
4. Sinh hoạt dân chủ và kỷ luật: Tất cả sinh hoạt của Tổ Chức PHVN đều theo nguyên tắc dân chủ. Mọi ý kiến đều được khuyến khích trình bày. Các quyết định đều được bàn thảo và biểu quyết một cách dân chủ. Mọi quyết định khi đã được thảo luận và biểu quyết đều được tất cả các thành viên tôn trọng và bảo vệ như quyết định của chính mình. Ý kiên riêng của mình chỉ có thể được nhắc nhỡ đến trong tinh thần và có tính cách hoàn toàn xây dựng mà thôi. Không bao giờ vì ý kiến riêng của mình mà xao lãng việc thi hành nghiêm chỉnh đường lối và quyết định đã được đa số biểu quyết. Kỷ luật và tinh thần dân chủ là sức mạnh của Tổ Chức. Kỷ luật của Tổ Chức là kỷ luật tự giác.
5. Nghĩa vụ của thành viên: Nghĩa vụ tối thượng của thành viên là nghĩa vụ của một công dân đối với tổ quốc trong tinh thần tự nguyện hy sinh và bất vụ lợi, thúc đẩy bởi ý chí bất khuất và hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thành viên Tổ Chức PHVN quyết tâm khắc phục gian khổ, kiên trì đấu tranh để xóa bỏ mọi hình thức độc tài tại Việt Nam. Thành viên của Tổ Chức PHVN sẵn sàng hy sinh đời mình cho lý tưởng phục hưng Việt Nam. Thành viên của Tổ Chức PHVN coi nhau như anh chị em ruột thịt. Thành viên của Tổ Chức PHVN phải luôn luôn trao dồi đạo đức và khả năng để bảo vệ và phát huy giá trị của Tổ Chức.
6. Quyền lợi của thành viên: Phần thưởng tinh thần vô giá dành cho thành viên là niềm kiêu hãnh thể hiện hoài bảo khôi phục và xây dựng Tổ Quốc. Thành viên bỏ mình trong khi thi hành nhiệm vụ, được tôn vinh liệt sĩ. Thân nhân trực hệ sẽ được Tổ Chức bao bọc trong khả năng.
PHẦN VI: NỘI QUY ÁP DỤNG
Nội Quy của Tổ Chức ấn định mọi chi tiết áp dụng bản Cương Lĩnh này.
PHẦN VII: TU CHÍNH VÀ SỬA ĐỔI
Cương Lĩnh này có thể được tu chính và sửa đổi do biểu quyết chấp thuận của hai phần ba (2/3) đại biểu Đại Hội Đồng của Tổ Chức.