Kính thưa quý bậc Trưởng thượng,
Kính thưa quý Đại diện các Đảng phái Chính trị, các Hội đoàn và Đoàn thể,
Kính thưa quý Đại diện Cộng Đồng và quý vị Dân cử,
Kính thưa quý Đại diện các Cơ quan Truyền thông và Báo chí,
Kính thưa Ông Trần Quốc Bảo và Đỗ Như Điện, Đại diện cho LLDTCNTQ, và
Kính thưa quý anh chị Thành viên cùng quý Thân hữu của TCPHVN,
Kính thưa quý vị,
Trước hết, tôi xin đại diện cho toàn thể các thành viên của TCPHVN chuyển lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến với tất cả quý vị quan khách có mặt trong hội trường ngày hôm nay. Sự hiện diện của quý vị trong dịp lễ cuối năm không những đã nói lên niềm yêu quý đặc biệt của quý vị đối với TCPHVN trong không khí mùa Giáng Sinh, mà còn thể hiện sự quan tâm của quý vị đối với hiện tình và sự sống còn của đất nước trong giờ phút lâm nguy của dân tộc. Để hồi đáp tấm thịnh tình đó, xin quý vị nhận nơi chúng tôi một lời cảm tạ chân thành nhất từ đáy lòng của những anh chị em thành viên TCPHVN./.
Và nhân dịp Lễ Giáng Sinh cuối năm 2018 và Tết Dương Lịch đầu năm 2019, TCPHVN xin gửi lời chúc đến quý vị quan khách cùng gia quyến một mùa Lễ an bình, vui vẽ và hạnh phúc bên cạnh người thân của quý vị. Cầu mong năm mới 2019 sẽ đem đến cho quý vị và gia quyến nhiều hứa hẹn tuyệt vời, phước lộc dồi dào, muôn vàn may mắn và tràn đầy hy vọng./.
Kính thưa quý vị,
Buổi Lễ Kỹ Niệm 40 Năm Ngày Thành Lập TCPHVN được sắp đặt ngay vào dịp cuối năm, thời điểm mà chúng tôi biết quý vị rất là bận rộn cho việc gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi có một lý do rất chính đáng và rất mong quý vị niệm tình thông cảm.
Theo truyền thống của Tổ Chức, đại hội thường được diễn ra vào cuối tháng 12 mỗi hai năm. Đúng ngày 23 tháng 12 năm 1978, 11 Sáng Lập viên của Tổ Chức Phục Hưng đã tụ họp trong niềm âm u khắc khoải để cùng nhau bàn kế hoạch thành lập ra một đảng phái chính trị mới trong bối cảnh bấy giờ để đương đầu với kẻ thù CSVN. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã dời ngày Đại Hội qua những thời điểm khác để cho các thành viên tiện về tham dự Đại hội. Tuy nhiên, vì lần Đại Hội này đánh dấu một đoạn đường đấu tranh 40 năm tương đối rất quan trọng đối với Tổ Chức về mặt tâm lý, nên chúng tôi đã quyết định thực hiện buổi Lễ Kỷ Niệm vào dịp cuối tuần này, ngay sau Đại Hội lần thứ 21, cho đúng mốc thời gian 40 năm thành lập Tổ Chức. Một lần nữa, xin quý vị nhận lời cảm tạ của chúng tôi và mong quý vị niệm tình thông cảm cho sự bất tiện này.
Kính thưa quý vị quan khách,
Trong lúc chúng ta đang chuẩn bị chào đón Tết Giao thừa để ăn mừng năm mới, thì đất nước Việt Nam và đồng bào thân thương của chúng ta đang âm thầm chuẩn bị chào đón những thảm họa mới sắp diễn ra trên quê hương yêu dấu trong niềm hốt hoảng, lo sợ. Những diễn biến xấu xảy ra liên tục trong năm 2018 là những dấu hiệu không tốt đi vào năm 2019, và đó là những điềm báo cho thấy sẽ có thêm nhiều hiểm họa phủ lên đầu 90 triệu người dân Việt Nam. Những phân tích về tham vọng làm bá chủ kinh tế và quân sự của Trung Cộng càng làm cho bầu trời Việt Nam thêm ảm đạm. Sự tập trung quyền lực của đảng CSVN cho thấy bọn chúng ngày càng siết chặt sự kiểm soát, ngày càng lệ thuộc vào kẻ thù phương Bắc, và với luật An Ninh mạng được thông qua, bọn công an mạng sẽ tha hồ thẳng tay áp đảo những ai dám lên tiếng bất đồng với quan điểm của nhà nước Việt Nam.
Thưa quý vị,
Ngày 3 tháng 10 năm 2018, TBT Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam giới thiệu đến Quốc hội bù nhìn và được bầu lên làm Chủ Tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau Quốc hội Khóa 14. Tính đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng là nhân vật thứ 3, sau ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh, là người vừa nắm giữ chức Tổng Bí Thư, vừa nắm chức Chủ Tịch nước Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi theo rập khuôn của nước đàn anh Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng nhận chỉ thị của Tập Cận Bình tập trung quyền lực về tay đảng Cộng Sản Việt Nam hầu dễ bề thao túng. Và điều này cũng cho thấy từ xưa đến nay, chức vụ Chủ Tịch nước, hay Thủ Tướng nước, đều là những chức vụ ngồi chơi xơi nước, có tính cách lễ nghi, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Liệu năm 2019, Quốc hội bù nhìn có bầu cho ông Nguyễn Phú Trọng vừa làm Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch và Thủ Tướng nước CHXHCN Việt Nam luôn hay không cho đủ bộ.
Dấu hiệu rập khuôn nói trên là một điềm báo rất quan trọng vì nó cho chúng ta tiên đoán đến nhiều vấn đề liên quan khác như: chính sách Đặc khu Kinh tế 99 năm, chủ quyền trên biển Đông, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa, khả năng thoát Trung và liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ra sao, v.v.
Nếu những dấu hiệu trên chưa đủ để thuyết phục những người còn đa nghi, chưa tin vào sự nô lệ ngoại bang tuyệt đối của đảng CSVN, thì chúng ta hãy cho họ xem kỹ lại phân tích về âm mưu bành trướng của Trung Cộng qua chính sách “Sáng kiến Con đường Vành đai” thì chắc chắn họ sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.
Tháng 9 năm 2013, Chủ Tịch Tập Cận Bình sang thăm trường đại học Cộng Hòa Kazakhstan đã chính thức công bố với thế giới về dự án thứ nhất là “Vành đai Kinh tế con đường tơ lụa (Beltway Silk Road) ”. Ngay sau đó, ông Tập đi qua Indonesia tiếp tục tuyên bố phần hai của kế hoạch là dự án “Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỹ 21 (Maritime Silk Road)”. Như vậy, nối kết hai phần kế hoạch nói trên lại với nhau, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch vĩ mô “Một Vành Đai, Một Con Đường”, đọc theo âm Hán Việt là “Nhất Đới, Nhất Lộ”, tiếng Anh gọi là “One Belt, One Road”, hay còn được biết đến với cái tên “Sáng kiến vành đai con đường”, tiếng Anh là “Belt and Road Innitiative”, viết tắt là BRI.
Vành đai KinhTế là mạng lưới liên kết đường bộ phiá bắc, bắt đầu từ Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc, đi qua các quốc gia thuộc địa trước đây thời Liên Bang Sô Viết, vượt qua Iran và nối liền tới Thổ Nhỉ Kỳ, đi đến Moscow, xong qua Đức và chấm dứt tại Venice, Ý.
Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỹ 21 là mạng lưới hàng hải, khởi nguồn từ Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến, chạy về hướng Nam qua các nước ASEAN, vượt qua eo biển Malacca, trở về hướng Tây chạy dọc các quốc gia thuộc Ấn Độ dương, sau đó vượt biển đến các quốc gia Châu Phi, đi qua biển Đỏ và Địa Trung hải đến Hy Lạp và nối kết với Vành đai Kinh tế tại Ý.
Tầm vóc “Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ” quả thật là vĩ đại vì nó liên kết 60% toàn bộ dân số trên thế giới, chiếm 1/3 tổng sản lượng GDP toàn cầu. Số tiền dự trù đầu tư vào dự án này là vào khoảng 4,000 tỉ Mỹ kim, tương đương với tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc năm 2015.
Như vậy thì động lực của TQ đưa ra Sáng kiến Vành đai Con đường là gì? Theo lời CT Tập Cận Bình là “ … để giúp củng cố tình hữu nghị láng giềng, tăng cường hợp tác cùng có lợi, duy trì và tạo cơ hội quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của TQ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, làm cho mối quan hệ chính trị của TQ với các nước láng giềng thân thiện hơn, quan hệ kinh tế vững chắc hơn, hợp tác an ninh sâu sắc, thịnh vượng của các quốc gia khác. Nhưng nếu đào sâu thì chúng ta có thể phân tích những động cơ chính như sau:
- TQ muốn tạo điều kiện sử dụng nguồn vốn khổng lồ của mình để đẩy các công ty xây dựng của TQ ra nước ngoài, cho các quốc gia nào cần tiền xây cất hệ thống hạ tầng cơ sở mượn vốn với tiền lời cao nhằm mục đích tạo sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Đây là những cái bẫy nợ mà nhiều quốc gia đã mắc mưu Trung Cộng.
- Quốc tế hoá đồng Nhân Dân Tệ. TQ đã đưa đồng tiền NDT vào các quỹ tiền dự trữ của thế giới như Ngân hàng Tái thiết & Phát triển Âu Châu, Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng Á Châu, và Ngân hàng Phát Triển Mới (New Development Bank). Và theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì đồng NDT đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn giao dịch tự do và đã được cùng với đồng Đô-la, Euro, Bảng Anh, Yên Nhật tham gia vào Quỹ Dự Trữ Quốc Tế SDR kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2016.
- Bảo đảm an ninh nguồn năng lượng của TQ không bị gián đoạn nếu chiến tranh xảy ra trên biển Đông, và trường hợp eo biển Malacca bị khoá lại. Hầu hết các lượng dầu mỏ nhập khẩu của TQ đến từ Châu Phi và Trung Đông đi qua eo biển Malacca. Nếu như eo biển này bị tắt nghẽn, nền kinh tế của TQ sẽ bị trì trệ rất nặng.
- Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ sẽ giúp cho hàng hóa và các dịch vụ của TQ được xuất khẩu đến các thị trường tiêu thụ một cách nhanh chóng. Theo phát biểu của Tập Cận Bình tháng 3 năm 2015, TQ muốn lượng thương mại thường niên giữa TQ và các quốc gia nằm trong lộ trình Vành Đai Con Đường đạt lên con số 2,500 tỉ Mỹ kim vào năm 2025.
- Khẳng định vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên thương trường quốc tế và chuẩn bị bước qua giai đoạn kế tiếp là chạy đua kinh tế với Mỹ để chiếm vị trí hàng đầu vào năm 2050.
Trên đây là 5 lý do chính làm cho TQ đẩy mạnh Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ, nhưng mục tiêu tối hậu của TQ là muốn cạnh tranh vị trí bá chủ kinh tế với Hoa Kỳ, tham vọng trở thành một siêu cường, vươn rộng ảnh hưởng ra toàn cầu, và tạo thế đối trọng với Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP mà trước đây Hoa Kỳ là một trong 12 quốc gia tham gia vào. Để đạt được tham vọng đó, TQ đặt ra những thủ đoạn “bẩy nợ”, cho một số quốc gia vay mượn với tiền lời cao và áp lực để cho các công ty TQ thầu các giao kèo xây dựng những tuyến đường xe lửa, cầu cống hay hạ tầng cơ sở. Khi các quốc gia này không đủ khả năng trả nợ, TQ áp lực bắt cho thuê đặc khu 99 năm để trừ nợ (như trường hợp Sihanoukville của Campuchia, Haier-Ruba của Pakistan, Rayong của Thái Lan, Djibouti và một số quốc gia khác ở Châu Phi).
Tham vọng bá chủ của TQ trong việc đề xuất chiến lược “một Vành đai, một Con đường” đặt Việt Nam vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Không tham gia thì Nguyễn Phú Trọng và bộ chính trị CSVN sẽ bị loại bỏ, thanh trừng hoặc mất ghế, còn tham gia thì việc bảo vệ chủ quyền lãnh hãi ở biển Đông sẽ gặp nhiều thử thách và lãnh địa thì bị lấn dần qua thủ đoạn áp lực nhượng đất hay cho mướn các đặc khu kinh tế 99 năm. Còn nếu chống ra mặt thì Trung Quốc sẵn sàng dạy cho Việt Nam một bài học với một lực lượng quân sự được hiện đại hoá và một đội quân hùng hậu chỉ đứng sau Hoa Kỳ về ngân sách quốc phòng.
Về mặt quân sự, TQ gia tăng ngân sách quốc phòng 8,1% cho năm 2018. Tính từ năm 2008, ngân sách quốc phòng của TQ là 59 tỉ Mỹ kim. Năm 2018, số tiền đó tăng vọt lên $191 tỉ Mỹ kim (2,06% GDP) và chỉ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ. TQ không ngừng hiện đại hóa quân đội với sự có mặt của một hàng không mẫu hạm tuần du trên biển Đông trong tình trạng sẵn sáng tác chiến, và hai hàng không mẫu hạm khác đang được xây cất với dự tính sẽ có 5-6 mẫu hạm vào năm 2030. Với một quân đội hùng hậu và hiện đại, chắc chắn TQ sẽ rất cứng rắn trong việc đối ngoại và sẵn sàng dùng sức mạnh để đe dọa những quốc gia nhược tiểu, và ngay cả Hoa Kỳ, nếu như muốn thách thức mộng bá chủ của họ.
Trở về vần đề Việt Nam trước bối cảnh người láng giềng khổng lồ phương Bắc đang muốn bành trướng về cả hai mặt kinh tế và quân sự, cộng với mối thù ngàn năm giữa hai quốc gia, mức độ nghiêm trọng của Việt Nam là khó thoát khỏi vòng kiềm tỏa của đàn anh TQ. Nguy cơ bị Hán hóa và Việt Nam bị biến thành một tỉnh lỵ của TQ, hoặc nhà nước CSVN muôn đời trở thành tay sai nô lệ ngoại bang cho Trung Cộng, ngày nay trở nên trầm trọng gấp 5 lần so sánh với cách đây 5 năm. Tóm lại, TQ không chỉ quăng một cần câu để bắt một con cá Việt Nam, mà họ đang chăng một mẻ lưới để bắt một bầy cá mà trong đó con cá Việt Nam đang cố gắng vùng vẫy cùng với hàng trăm con cá khác đang bị lưới từ từ khép lại và kéo lên Tàu.
Tuy bị Trung Quốc ức xử, đối với đảng CSVN, việc xích lại gần với Hoa Kỳ là một điều rất khó chấp nhận vì Hoa Kỳ lúc nào cũng đòi hỏi Việt Nam phải có cải tổ, phải có dân chủ và bầu cử tự do, những điều mà CSVN rất e ngại và không bao giờ muốn thực thi. Đi với Trung Quốc, tuy bị ép buộc đủ thứ, nhưng CSVN sẽ được đàn anh bao che bảo vệ ngôi vị độc tôn nếu như biết ngoan ngoãn nghe lời. Khi bị thiếu thốn, đàn anh Trung Cộng có thể thẩy cho cục xương để gặm. Vì vậy, việc thoát Trung rất khó diễn ra khi mà thế Trung Cộng còn quá mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Chỉ có khi nào Trung Quốc bị yếu thế, kinh tế bị suy thoái, phá sản thì Việt Nam mới mong thoát Trung và ngả theo Hoa Kỳ. Trường hợp này chỉ xảy ra nếu như có cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về chiến tranh thương mại. Hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một cuộc tạm đình chiến 3 tháng để TQ có thì giờ thỏa mãn những yêu sách của Hoa Kỳ như: giảm thuế và gia tăng nhập cảng lượng hàng hoá của Hoa Kỳ, ngưng các việc ăn cắp bản quyền và tài sản trí tuệ, v.v. Tuy nhiên, việc đòi hỏi TQ phải đồng ý với những yêu sách của Hoa Kỳ đưa ra rất khó chấp nhận, và hiện giờ, Tập Cận Bình đang nằm trong một tình thế rất khó xử.
Phân tích tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc nói trên, không có nghĩa là chúng ta trông chờ vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ với lý do rất đơn giản: Hoa Kỳ chỉ hành xử theo quyền lợi của họ. Nhiều phần trăm là hai bên sẽ đi đến môt thỏa thuận song phương để tránh chiến tranh thương mại, không bị tổn thất về kinh tế và giảm giá thị trường chứng khoán. Nếu như trường hợp này xảy ra, Việt Nam sẽ khó mà thoát Trung và càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn nữa. Bài học Mỹ bỏ rơi Việt Nam năm 1975 vẫn còn rành rành, làm sao quên được. Số phận Việt Nam vốn hẩm hiu, nay càng thêm bi đát.
Đối với tình hình Việt Nam, năm 2017 và 2018 đánh dấu nhiều sự kiện xảy ra làm cho nhà cầm quyền Việt Nam buộc lòng phải gia tăng đàn áp và bắt bớ. Vụ Formosa, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, luật Đặc Khu Kinh Tế, An Ninh mạng, vụ các đảng viên gộc xé bỏ thẻ đảng, các tổ chức Xã hội Dân sự mọc lên như nấm, vụ các Nghiệp đoàn độc lập thay nhau ra đời, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thanh trừng Đinh La Thăng, vụ Trần Đại Quang bị chết một cách mờ ám, v.v. Tất cả những sự kiện nói trên đều làm cho niềm phẫn uất của người dân ngày càng dâng cao, và nhà cầm quyền Hà Nội biết rất rõ nếu không kiểm soát một cách mạnh bạo thì cao trào phản kháng sẽ dâng lên như mức sóng thần, có ngày đập tan chế độ. Chính vì vậy, lực lượng công an được chỉ thị ra sức càn quét, bắt bớ và thẳng tay đưa ra những bản án nặng nề đối những nhà đấu tranh dân chủ. Chính vì thế, năm 2019 sẽ là năm mà tù cộng sản sẽ đầy dẫy những nhà bất đồng chính kiến, những tù nhân lương tâm và những người đấu tranh trong nước sẽ bị trù dập thê thảm.
Kính thưa quý vị,
Trong bối cảnh ra tay đàn áp dã man, đảng CSVN đang để lộ nguyên hình sự hèn nhát và cho thấy dấu hiệu suy yếu của chế độ. Viễn ảnh nhà cầm quyền Việt Nam sắp bị người dân lật đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Có 3 tình huống mà chế độ CSVN có thể bị loại bỏ:
Tình huống thứ nhất: Lực đẩy từ trong nội bộ đảng, có thể từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Mời đây xảy ra hiện tượng một số đảng viên gộc xé bỏ thẻ đảng, như trường hợp Giáo Sư Chu Hảo, một hiện tượng giọt nước tràn ly và có thể khởi động một phong trào từ bỏ đảng CSVN. Tình huống này cũng có thể phát xuất từ các nhóm lợi ích trong nội bộ đảng gây ra bè phái, vây cánh thanh trừng lẫn nhau và có thể đưa đến tình trạng đảo chánh hay chuyển đổi.
Tình huống thứ hai: Lực đẩy từ quần chúng với lực lượng dân oan, thành phần tôn giáo, giới sinh viên, học sinh, công nhân, và người dân bất mãn với chính sách nhà nước qua các luật Đặc khu Kinh tế và An Ninh mạng, v.v. Cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 năm 2018 cho thấy tức nước thì vỡ bờ, sự phẫn uất của người dân sẽ là nhiên liệu xúc tác đưa đến tình trạng biểu tình khắp nơi trên bờ cõi Việt Nam, như chúng ta đã thấy. Nếu có một triệu người dân xuống đường, bọn công an sẽ không dám đàn áp trước sự phẫn nộ như bảo táp của đồng bào, và ngay cả lực lượng đàn áp cũng có thể buông súng để quay về với dân, với chính nghĩa quốc gia, để cùng với người dân thay đổi cái chế độ ngoại lai CSVN.
Tình huống thứ ba: Lực đẩy từ các lực lượng đấu tranh trong và ngoài nước. Hơn 4 thập niên kể từ ngày mất miền , lửa đấu tranh trong lòng người dân vẫn bùng cháy và mạnh hơn bao giờ hết. Với biết bao nhiêu hội đoàn và đoàn thể, từ chính trị đến xã hội dân sự, từ già đến trẻ, từ trong nước ra hải ngoại, cả nam lẫn nữ, đều căm phẫn chế độ CSVN phản dân hại nước đến tột cùng. Với nhiều sáng kiến đấu tranh nảy sinh, người dân Việt Nam không còn sợ hãi và đang lấn dần, lấn dần và đưa chế độ CSVN vào thế bị cô lập trên trường quốc tế.
Kính thưa quý vị,
Chế độ CSVN có thể bị sụp đổ theo 1 trong 3 kịch bản nói trên, nhưng cũng có thể là do diễn biến của cả 3 kịch bản. Nhiệm vụ của người Việt hải ngoại là tiếp tục châm dầu và mồi lửa để cho các kịch bản đó mau chóng xảy ra. Trong vài năm tới đây, chắc chắn nhiều người dân trong nước sẽ bị trù dập, bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man, thậm chí còn bị thủ tiêu hay bị lưu đày nơi xứ người do đảng CSVN lo sợ phong trào phản kháng càng ngày càng dâng lên cao. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta không bao lùi bước trước kẻ thù nội xâm và ngoại xâm. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta không bao giờ để cho giặc phương Bắc thôn tính nước ta dưới bất cứ hình thức nào. Làm người Việt Nam, đầu đội trời, chân đạp đất, xuống Đông Đông tỉnh, lên Đoài Đoài yên. Lịch sử 4000 năm của Việt Nam đã chứng minh một điều, không một giặc xâm lăng nào, không một triều đại độc tài nào, không một chế độ bất nhân nào có thể tồn tại mãi mãi. Nếu đảng CSVN chưa học được bài học lịch sử đó, bọn chúng sẽ hứng chịu những hậu quả vô lường khi người dân dành lại được chủ quyền đất nước./.
Kính thưa quý vị,
Trước khi chấm dứt, tôi xin chia sẻ với quý vị một tâm tình của nhà thơ Phan Bội Cần, một cựu thành viên của TCPHVN, đã sáng tác hai câu thơ bất hủ như sau:
“Yêu nửa đời, ăn nửa bửa, ngủ nửa đêm,
Đường cách mạng không bao giờ đi một nửa.”
Hai câu thơ này đã nói lên tâm nguyện của các chiến hữu Phục Hưng Việt Nam và đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi thành viên Phục Hưng khi đưa tay lên thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong buổi Lễ Tuyên Thệ gia nhập Tổ Chức. Cho tới khi nào còn bóng cộng sản ngự trị trên quê hương chúng ta, các thành viên Phục Hưng Việt Nam sẽ còn tiếp tục sánh vai với tất cả những người Việt Nam nào, các đoàn thể nào còn tha thiết với tiền đồ của Tổ Quốc, và hạnh phúc tương lai của toàn dân Việt.
Kính thưa quý vi,
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị đã lắng nghe những lời chia sẻ của chúng tôi và trong buổi tiệc tiếp tân chiều nay, TCPHVN sẽ gửi tặng tất cả quý vị cuốn Kỷ Yếu 40 Năm Phục Hưng Việt Nam để làm một món quà kỷ niệm.
Xin trân trọng kính chào toàn thể quý vị và kính chào quyết thắng./.